BÀI GIÁO HUẤN III BÀI GIÁO HUẤN V

NHỮNG BÀI GIÁO HUẤN VỀ ĐỨC MARIA

Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
BÀI 4
ĐỨC MARIA TRONG KINH THÁNH VÀ TRONG SUY TƯ THẦN HỌC

Đức Thánh Cha ôn lại sự tiến triển đạo lý về Thánh-mẫu-học. Dựa trên những dữ kiện căn bản của Tân ước, ngành này đã đào sâu thêm những chân lý liên quan đến bản thân và sứ mạng của Đức Maria, điển hình qua việc tuyên bố hai tín điều “Vô nhiễm nguyên tội” và “Hồn xác lên trời”. Đừng kể sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Thánh-mẫu-học là lòng đạo đức bình dân, phát biểu cảm quan đức tin của Dân Chúa.

1.- Trong những bài trước, chúng ta đã thấy rằng đạo lý về chức làm mẹ của Đức Maria từ công thức đầu tiên “Thân mẫu của Đức Giêsu” dần dần bước sang công thức “Thân mẫu của Thiên Chúa” hoàn bị hơn, cho tới những khẳng định về bà mẹ tham gia vào việc cứu độ nhânloại.
Đối với các khía cạnh khác của đạo lý về Đức Maria cũng cần phải chờ nhiều thế kỷ thì mới có thể đạt tới sự xác định minh nhiên về các chân lý mạc khải liên quan tới Người. Những trường hợp điển hình của chặng đường đức tin nhằm khám phá ra sâu xa hơn chức phận của Đức Maria trong lịch sử cứu độ là hai tín điều: Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và Hồn xác lên trời, đã được hai vị tiền nhiệm của tôi tuyên bố, đó là Đức Piô IX năm 1854, và Đức Piô thứ XII nhân dịp năm thánh 1950[1].
Thánh-mẫu-học là một môn thần học độc đáo: trong ngành này lòng mộ mến Đức Maria của Dân Kitô giáo lắm lần đã trực giác vài khía cạnh của mầu nhiệm về Đức Trinh nữ trước khi các nhà thần học và các vị mục tử chú ý tới.

2. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng các sách Phúc âm cung cấp rất ít dữ kiện về thân thế và cuộc đời Đức Maria. Dĩ nhiên là chúng ta ước mong có nhiều chi tiết dồi dào hơn để giúp hiểu rõ hơn về người Thân mẫu của Đức Giêsu .
Lòng khao khát đó coi như cũng không được thỏa mãn khi bước sang các tác phẩm khác của Tân Ước, bởi vì ở đây cũng chẳng thấy phát triển đạo lý rõ rệt về Đức Maria. Các thư của Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta một tư tưởng rất là phong phú về Đức Kitô và về sự nghiệp của Ngài, nhưng chỉ giới hạn vào một đoạn súc tích rằng Thiên Chúa đã sai Con của mình đến, “sinh bởi một người nữ” (Gl 4,4).
Về gia đình của Đức Maria chúng ta cũng thấy hầu như không có gì. Đừng kể những trình thuật về thời thơ ấu, trong Phúc âm nhất lãm chúng ta chỉ thấy có hai lần nhắc tới Đức Maria: một lần khi nói tới mưu toan của các “anh em” nghĩa là những bà con muốn dẫn Đức Giêsu về lại Nazarét (xc. Mc 3, 21; Mt 12, 48); một lần khác, khi đáp lại lời chúc tụng của một phụ nữ về hạnh của bà mẹ của Đức Giêsu (Lc 11, 27).
Tuy nhiên, ông Luca trong Phúc âm thời thơ ấu, – với những chuyện Truyền tin, Thăm viếng, Sinh hạ Đức Giêsu, Tiến dâng Hài nhi trong đền thờ, và gặp lại Người giữa các thầy dạy lúc lên 12 tuổi – , thì không những đã cung cấp cho chúng ta một vài dữ kiện quan trọng, mà còn trình bày cho chúng ta một thứ “tiền thánh mẫu học” hết sức hữu ích. Các dữ kiện của ông Luca đã được gián tiếp bổ túc do ông Matthêu khi thuật lại việc truyền tin cho thánh Giuse (1,18-25), tuy chỉ liên quan tới việc thụ thai trinh khiết của Đức Giêsu mà thôi.
Hơn nữa, Phúc âm theo ông Gioan đã đào sâu giá trị lịch sử cứu rỗi của vai trò Thân mẫu Đức Giêsu, khi ghi nhận sự hiện diện của bà vào lúc bắt đầu và kết thúc cuộc đời công khai của Chúa. Sự can dự của Đức Maria ở bên cạnh Thánh giá mang một tầm ý nghĩa đặc biệt, khi mà Người lãnh nhận từ Con của mình đang hấp hối chức vụ làm mẹ của người môn đệ dấu yêu, và qua người đó, làm mẹ tất cả các Kitô hữu (xc Ga 1, 12 và Ga 19, 25-27). Sau hết, Tông đồ công vụ đã nhắc tới đích danh Thân mẫu của Đức Giêsu ở giữa các phụ nữ của cộng đoàn tiên khởi vào những ngày chờ đón lễ Ngũ tuần (x. Cv 1, 14).
Ngược lại, chúng ta không biết gì về cuộc đời của Đức Maria sau biến cố Ngũ tuần cũng như về ngày giờ và hoàn cảnh tạ thế, bởi vì không có những chứng tích của Tân ước hay của những nguồn sử liệu chắc chắn. Chúng ta chỉ có thể giả thiết rằng Người tiếp tục sống với tông đồ Gioan và theo sát sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.

3.- Những dữ kiện ít ỏi về cuộc đời dương thế của Đức Maria đã được bù lại bằng phẩm tính và sự phong phú thần học của chúng, mà khoa chú giải Kinh thánh hiện đại đã vạch ra.
Mặt khác, chúng ta cần phải nhớ lại rằng viễn tượng của các tác giả Phúc âm hoàn toàn tập trung vào Chúa Kitô và chỉ nhắc tới bà Mẹ trong tầm mức có liên hệ tới việc loan báo Tin mừng của Người Con. Như Thánh Ambrosiô đã ghi nhận, khi trình bày mầu nhiệm Nhập thể, thánh sử “đã không cần đi tìm những chứng cớ nào khác về Đức trinh khiết của Đức Maria, vì không muốn tỏ ra rằng mình lo bảo vệ Đức Trinh nữ hơn là công bố một mầu nhiệm” (Expositio in Lucam, 2, 6).
Trong việc này chúng ta có thể nhận ra một ý định của Chúa Thánh Thần. Người muốn gợi lên trong Hội thánh một nỗ lực truy tầm luôn đặt trung tâm điểm nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, không tản mạn về những chi tiết của cuộc đời Đức Maria nhưng nhằm khám phá ra vai trò của Mẹ trong công trình cứu chuộc, sự thánh thiện bản thân và chức vụ làm mẹ trong đời sống các Kitô hữu.

4.- Khi hướng dẫn nỗ lực truy tầm của Hội thánh, Chúa Thánh Thần cũng đòi hỏi Hội thánh hãy thu nhận những tâm tình giống như Đức Maria. Khi kể lại cuộc sinh hạ Đức Giêsu, ông Luca ghi nhận rằng thân mẫu của Người đã gìn giữ tất cả những điều đó, “chiêm niệm ở trong tâm hồn” (2,19), nghĩa là cố gắng “thu thập đối chiếu” (symballousa) với cái nhìn sâu sắc tất cả những biến cố mà Mẹ đã trở thành một chứng nhân ưu tuyển.
Một cách tương tự như vậy, dân Thiên Chúa cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để hiểu biết sâu xa tất cả những gì đã được nói về Đức Maria, hầu tiến triển trong việc hiểu biết sứ mạng của Người đã được liên kết mật thiết với mầu nhiệm của Chúa Kitô. Trong việc phát triển Thánh-mẫu-học, Dân Chúa đã đóng một vai trò hết sức đặc biệt. Dân Chúa, qua việc khẳng định và làm chứng đức tin, đã cộng tác vào sự tiến triển đạo lý về Đức Maria. Thánh-mẫu-học không phải chỉ là thành quả của các nhà thần học tuy dù vai trò của họ không thể nào thiếu trong việc đào sâu và trình bày sáng suốt những dữ kiện đức tin và cảm nghiệm Kitô giáo .
Lòng tin của những người đơn sơ đã được Đức Giêsu ca ngợi, vì Người đã nhìn nhận đó như là sự bày tỏ đường lối diệu kỳ của Cha lân tuất (xc. Mt 11, 25; Lc 10, 21). Lòng tin chất phác đó, trải qua các thế kỷ, vẫn tiếp tục tuyên dương những kỳ công của lịch sử cứu độ, mà các nhà thông thái không thấy. Lòng tin này, rất hợp điệu với tính đơn sơ của Đức Trinh Nữ, đã góp phần vào việc tiến triển của sự nhận thức về sự thánh thiện bản thân cũng như về giá trị cao siêu trong sứ mạng làm mẹ của Đức Maria.
Mầu nhiệm của Đức Maria thúc đẩy hết mọi người Kitô hữu, trong niềm hiệp thông với Hội thánh, hãy “chiêm niệm trong tâm hồn” điều mà mặc khải Phúc âm đã khẳng định về Thân mẫu Chúa Kitô. Dựa trên luận lý của kinh Magnificat, mỗi người sẽ cảm nghiệm ở nơi mình, theo gương của Đức Maria, tình yêu của Thiên Chúa và sẽ khám phá qua những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã thực hiện nơi Đấng “đầy ơn phúc” một dấu hiệu của tình thương âu yếm của Thiên Chúa đối với con người.